(Thông tấn Quân sự) - Tuy chưa bao giờ được các nguồn chính thống thừa nhận, nhưng các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng Việt Nam từng đổi gạo lấy một lượng lớn tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. 

Mặc dù quan hệ hợp tác quân sự Việt Nam - Triều Tiên hiện nay rất mờ nhạt, hầu như hiếm có trao đổi nào, hoặc nếu có thì đều nằm trong "bóng tối". 

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia quốc tế căn cứ vào nhiều nguồn tin khẳng định rằng, sau giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, tới những năm 1990 hai bên có một khoảng thời gian vài năm trao đổi hợp tác và xuất nhập khẩu vũ khí rất sôi động. 

Theo Học giả Carl Thayer, tháng 5/1994, một phái đoàn quân sự cấp cao Việt Nam đã đến thăm Bình Nhưỡng để thảo luận sơ bộ về việc liệu Triều Tiên có thể cung cấp vũ khí cho Việt Nam.

Tháng 6/1994, Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê dẫn đầu một đoàn quân sự cấp cao tới Bình Nhưỡng để thăm chính thức Triều Tiên theo lời mời của Nguyên soái O Chin-u - Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK). 

Đến tháng 11/1994, Phó nguyên soái Choe Kwang - ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Công nhân Triều Tiên và là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên dẫn đầu phái đoàn quân sự cấp cao tới Hà Nội theo lời mời của tướng Đoàn Khuê. 
Tên lửa đạn đạo Scud mà Liên Xô cung cấp cho Việt Nam.
Ngay sau chuyến thăm, theo nguồn tin ngoại giao Bắc Kinh, Việt Nam và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận về việc mua vũ khí trả bằng hàng hóa lương thực thực phẩm. Mà cụ thể ở đây là gạo - lúc bấy giờ kinh tế Triều Tiên gặp vô vàn khó khăn sau khi Liên Xô tan rã, rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn từ phương Tây.

Tháng 12/1996, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - tướng Nguyễn Thới Bưng đến thăm Triều Tiên và ký hợp đồng quốc phòng trị giá 100 triệu USD. Việc thanh toán bằng gạo trên cơ sở các điều khoản đạt được từ các cuộc hội đàm cấp cao năm 1994. 

Loại vũ khí mà Việt Nam mua của Triều Tiên được cho là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong của Triều Tiên. 

Nhiều khả năng đó là tên lửa đạn đạo Hỏa tinh 6 do Triều Tiên phát triển trên cơ sở dòng tên lửa R-17 Elbrus của Liên Xô, hay NATO thường gọi chúng là Scud. Với Hỏa Tinh 6, NATO định danh chúng là Scud-C hay Scud Mod. C. 

Tên lửa Hỏa Tinh 6 có chiều dài 12m, đường kính thân 0,88m,sử dụng động cơ rocket nhiên liệu lỏng với tầm bắn ước tính 500-550km, bán kính lệch mục tiêu khoảng 700-1.000m. 

Giới quân sự quốc tế cho rằng, tính tới năm 1999, Triều Tiên đã sản xuất 600-1.000 Hỏa Tinh 6, trong đó 300-500 quả được xuất khẩu cho không chỉ Việt Nam mà có thể là cả Iran, Syria, Yemen.
Tàu ngầm Yugo tại Cam Ranh.

Ngoài tên lửa đạn đạo, Việt Nam có thể đã dùng hình thức đổi gạo để mua hai tàu ngầm mini Yugo cho lực lượng đặc công hải quân. 

Yugo có lượng giãn nước toàn tải khi lặn 110 tấn, dài 20m, rộng 2m, thủy thủ đoàn 6-10 người, trang bị 2 ống phóng ngư lôi 533mm.

Hồng Hà

Post a Comment

Previous Post Next Post