(Thông tấn Quân sự) - Tháng 11/2013, trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch nước Việt Nam, hai bên đã ký kết hiệp định về việc mở căn cứ chung để bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm tại Cam Ranh.
Như chúng ta đã biết, sau năm 1975, nhìn ra được vị trí chiến lược của Cam Ranh ở Biển Đông và xa hơn là Thái Bình Dương, năm 1978 chính phủ Liên Xô đã ký thỏa thuận thuê hải cảng trong thời hạn 25 năm với Việt Nam. Liên Xô sử dụng nơi này như một đối trọng với căn cứ hải quân của Mỹ ở vịnh Subic (Philippines). Sân bay Cam Ranh được dành cho máy bay chống hạm và máy bay trinh sát của Liên Xô. Đơn vị đầu tiên của quân đội Liên Xô đến căn cứ này vào tháng 4/1980 gồm có 50 người. Theo hợp đồng ký với phía Việt Nam, Liên Xô sẽ xây dựng các công trình cho Việt Nam bằng nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại.
Kết quả là toàn bộ căn cứ đã được hiện đại hóa, bao gồm cả khu vực bến bãi, sân bay với nhiều đường băng, những điểm cung cấp vật liệu – kỹ thuật và một trạm rada mới. Như vậy là Cam Ranh đã trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Những tàu chiến của nước này sau khi thực hiện những chuyến đi biển dài ngày (trên Ấn Độ Dương và khu vực vịnh Ba Tư) thường ghé qua đây để tiếp nhiên liệu, bổ sung đạn dược và tiến hành bảo dưỡng.
![]() |
Máy bay chống ngầm Tu-142 tại Cam Ranh. |
Sân bay Cam Ranh lúc đó có một trung đoàn không quân hỗn hợp với 4 máy bay ném bom Tu-95, 4 máy bay săn ngầm Tu-142, 1 phi đội máy bay ném bom Tu-16 các loại gồm có 20 chiếc, 1 phi đội tiêm kích MiG-23 (gần 15 chiếc), 2 máy bay vận tải An-24 và 3 trực thăng Mi-8 (số liệu năm 1986). Ngoài ra, trung đoàn này còn được trang bị vũ khí chống tàu và tên lửa các loại.
Số quân nhân tại căn cứ này vào khoảng 3.000 người. Cuối thập niên 1980, quân số tại đây đã giảm đi đáng kể. Theo báo Pravda ngày 19/1/1990: “Trong khuôn khổ các hoạt động tinh giảm số lượng quân đội Xô Viết ở khu vực lãnh thổ phía đông của đất nước, căn cứ theo Hiệp ước đã ký với phía Việt Nam, một phần quân đội của Liên Xô đã rút khỏi vịnh Cam Ranh”. Cuối năm 1989, các loại máy bay MiG-23 và Tu-16 đã được đưa khỏi đây. Cho đến đầu năm 1990, sân bay Cam Ranh chỉ còn lại khoảng 6 – 10 chiếc máy bay.
Những năm đầu thập niên 1990, căn cứ này chủ yếu do phía Việt Nam sử dụng. Năm 1994, phó Thủ tướng Yuri Yarov đã đến thăm vịnh Cam Ranh. Năm 1995, nhờ có trung tâm thông tin ở căn cứ này mà nhiều hoạt động vận chuyển ma túy đã bị bắt giữ. Năm 1993 Nga đã ký hợp đồng kéo dài thời gian sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh. Các thiết bị bắt sóng ở đây dùng để theo dõi các trao đổi thông tin của Trung Quốc ở vùng biển Đông. Theo giới quân sự Mỹ, vị trí của Cam Ranh khá lý tưởng để kiểm soát mọi hoạt động xung quanh đảo Hải Nam, một địa điểm chiến lược đặc biệt đối với Trung Quốc.
Năm 2000, hải quân Nga đã chính thức thông báo, hiện nay căn cứ này không còn quan trọng như trước nữa. Ngày 24/7/2001 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Ivanov thông báo “Nga cần phải rời khỏi Cam Ranh”. Năm 2002, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đóng cửa căn cứ này sau khi Hà Nội và Moscow thống nhất được việc chấm dứt hợp đồng cho Nga thuê miễn phí.
![]() |
Tàu ngầm Liên Xô tại Cam Ranh. |
Thế là ngày 4/5/2002, quân kỳ Hải quân Nga được kéo xuống ở Cam Ranh, toàn bộ nhóm binh sĩ Nga cuối cùng, trong đó có chỉ huy trưởng căn cứ đảm bảo hậu cần - kỹ thuật số 922, đại tá hải quân Eryomin từ biệt mảnh đất Việt Nam, bước lên phà "Sakhalin-9" rời Cam Ranh. Sự kiện này kết thúc giai đoạn 23 năm có mặt trên lãnh thổ Việt Nam của hải quân Xô viết và hải quân Nga.
Mặc dù khi đó nước Nga cho rằng “Cam Ranh không còn cần thiết với Moscow”, tuy vậy không ít giới phân tích bày tỏ sự ngỡ ngàng với tuyên bố lạ lùng vậy. Nhiều người thống nhất rằng có lẽ những khó khăn về kinh tế thời hậu Xô Viết khiến nước Nga quyết định rút chân khỏi các căn cứ nước ngoài. Tuy nhiên, đó là một sai lầm nghiêm trọng của họ, mà chỉ không tới 10 năm sau, Moscow gián tiếp thừa nhận – họ đã sai khi bỏ lại Cam Ranh.
Thưa các bạn, quả đúng như vậy, trong suốt hai nhiệm kỳ của Tổng thống Putin, Liên bang Nga bắt đầu hồi phục kinh tế và sức mạnh quân sự, họ bắt đầu lại vươn tay khắp nơi trên thế giới. Đến giờ họ mới bắt đầu sực nhớ ra là họ cần các căn cứ bảo đảm kỹ thuật ở vùng biển xa xôi, và Cam Ranh một lần nữa xuất hiện trong “bộ não” ở Moskva.
Theo đó, vấn đề hải quân Nga trở lại Cam Ranh đã rộ lên trên báo chí Nga trong tháng 10/2010, trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitri Medvedev. Giới quân sự Nga, một số tướng lĩnh, đô đốc tại ngũ và nghỉ hưu, chuyên gia quân sự Nga cũng đã đề cập khả năng hải quân Nga trở lại Cam Ranh.
![]() |
Chiến hạm Việt Nam tại Cam Ranh hôm nay. |
Dù “tạm quên đi” phát ngôn năm 2000 rằng “Moscow không cần Cam Ranh”, nhưng thực tế tới lúc này các quan chức quốc phòng Nga cơ bản gián tiếp nhận sai. Họ đều có chung nhận định rằng, quân cảng này có vai trò rất quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện nay, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vốn là một công cụ quân sự - ngoại giao và đảm bảo sự an toàn cho hoạt động thương mại. Sự lớn mạnh của hạm đội là cơ sở cho sự phát triển của các khu vực phía Đông của Liên bang Nga, nơi tập trung nhiều cường quốc hải quân.
Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Kravchenko nhận định, trong bối cảnh đó, một cơ sở hậu cần - kỹ thuật hải quân quan trọng đặt tại Vịnh Cam Ranh là nhu cầu cấp thiết đối với hải quân Nga. Cụ thể, căn cứ hải quân ở Cam Ranh rất cần cho tàu thuyền của hải quân Nga để bảo vệ sự lưu thông của các tàu biển, chẳng hạn như tàu cung cấp phương tiện vật chất từ Vladivostok đến Ấn Độ Dương.
Chuyên gia quân sự nhận xét rằng, không giống như Hoa Kỳ, hiện đang sở hữu hơn 800 căn cứ trên khắp thế giới (trên tổng số gần 1000 căn cứ quân sự mà các nước trên thế giới lập ở nước ngoài), cơ sở quân sự thuộc quyền sử dụng của Liên bang Nga ở nước ngoài hiện chỉ có căn cứ Tartus/Syria.
Ý kiến của ông Kravchenko được sự tán thành của cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân, Phó Đô đốc Vladimir Pepeliaev. Theo lời ông, Hạm đội Thái Bình Dương đang cần đến căn cứ ở Việt Nam trên hành trình sang Ấn Độ Dương, như một điểm dừng giữa chặng.
Dẫu vậy, với quyết định năm 2002 và tình hình địa chính trị lúc này đã khác xưa rất nhiều, các chuyên gia Nga dù tiếc nuối đều phải nhìn nhận rằng: "Cam Ranh đi thì dễ nhưng rất khó để quay trở lại" với nước Nga lúc này. Đáp lại những thông tin Moscow đang xem xét vấn đề đưa Hải quân Nga trở lại Cam Ranh hồi năm 2010, Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó tuyên bố, Hà Nội không đồng ý triển khai căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình.
Tình thế bây giờ đã khác, Hà Nội bây giờ thi hành và tuân thủ tuyệt đối “chính sách đối ngoại ba không của mình” (không liên minh, không cho đặt căn cứ quân sự nước ngoài, và không sử dụng một quốc gia này để chống lại một quốc gia khác). Do vậy, không chỉ Nga, Mỹ hay thậm chí Trung Quốc có sẵn lòng chi bao nhiêu tỷ USD để có được Cam Ranh cũng là bất khả thi.
![]() |
Cam Ranh hiện là căn cứ hải quân lớn nhất của Việt Nam, nơi tập trung các chiến hạm hiện đại nhất. |
Thực ra bản chất của vấn đề nằm ở điểm Việt Nam không muốn mình trở thành quân cờ trong thế cục đấu đá của các siêu cường, đồng thời tránh để mâu thuẫn với nước láng giềng khổng lồ phát triển đến độ không thể kiểm soát được. Thế nên cách tốt nhất đó là không nước nào được phép thuê Cam Ranh làm căn cứ quân sự.
Thay vào đó, để cân bằng quan hệ giữa các bên, như chúng ta đã biết, Việt Nam đã rất khôn ngoan khi tiến hành phát triển cảng Quốc tế Cam Ranh và chính thức khai thác từ năm 2016. Với kế sách này, không quốc gia nào đụng được vào Cam Ranh nhưng mọi quốc gia gồm cả Mỹ, Trung Quốc được phép đưa tàu chiến đến Cam Ranh sửa chữa, nghỉ ngơi khi cần. Đó là kế sách đặc biệt khôn ngoan của Việt Nam khi mà chúng ta cần sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề biển Đông.
Mà thực tế kể từ khi chúng ta khai trương cảng Quốc tế Cam Ranh tới nay, Moscow, Washington hay Bắc Kinh đã không còn đề cập tới việc thuê Cam Ranh. Tất cả dường như đều hiểu rằng lập trường của Việt Nam về vấn đề căn cứ quân sự khó lòng thay đổi được.
Tuy vậy, với nước Nga thì chắc chắn họ tiếc nuối hơn nhiều so với Mỹ hay Trung Quốc. Bởi thực tế, người Nga đúng ra đã có thể đường hoàng tiếp tục khai thác Cam Ranh cùng Việt Nam một cách đường đường chính chính nếu như chịu nỗ lực duy trì căn cứ này năm 2002. Khi đó, tình hình không phức tạp như hiện tại, nếu nước Nga thực sự bày tỏ thiện chí, với mối quan hệ tốt đẹp với Hà Nội được gây dựng từ thời Liên Xô, Việt Nam sẵn sàng gia hạn hợp đồng thậm chí là vẫn miễn phí với Nga.
Thế nhưng, Moscow đã không làm vậy, họ nhanh chóng vứt bỏ tất cả và cuốn cờ về Nga để rồi sau đó hối không kịp. Dẫu sao, với tư cách là “đồng minh lâu năm của Hà Nội”, Nga vẫn nhận được sự ưu ái đáng kể ở Cam Ranh.
Theo đó, các công ty Nga được ưu tiên trong việc xây dựng Trung tâm hậu cần dịch vụ quân sự tại cảng Cam Ranh. Việc này rất dễ hiểu bởi lẽ vũ khí, khí tài quân sự trước đây của Việt Nam đều do Liên Xô viện trợ và hiện vẫn đang được bảo quản theo phương thức “giữ tốt, dùng bền”. Các vũ khí mà Việt Nam mua sắm thời gian gần đây chủ yếu vẫn là của Nga, bởi Nga là đối tác chiến lược. Về mặt chính trị, Nga là đối tác tin cậy. Về mặt công nghệ, vũ khí của Nga cũng hiện đại và Việt Nam đã quen sử dụng, hiệu quả chiến đấu đã được thực tế kiểm chứng.
![]() |
Tàu ngầm Kilo tại Cam Ranh. |
Tháng 11/2013, trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch nước Việt Nam, hai bên đã ký kết hiệp định về việc mở căn cứ chung để bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm tại Cam Ranh. Các chiến hạm Nga được quyền sử dụng căn cứ theo thủ tục đơn giản hóa hơn so với các quốc gia khác. Kể từ năm 2014, không quân Nga sử dụng Cam Ranh để bố trí ở đây các máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 thực hiện nhiệm vụ tiếp dầu trên không cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga.
Sự hiện diện của các máy bay tiếp dầu Nga ở Cam Ranh không vi phạm nguyên tắc của Việt Nam là cấm bố trí các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ nước mình. Việt Nam thực thi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên các nguyên tắc: không liên kết và từ chối tham gia vào các liên minh. Tuy nhiên điều đó không loại trừ quan hệ thân thiện truyền thống với Nga.
Hồng Hà
إرسال تعليق