(Thông tấn Quân sự) – Ngay khi nghe tới ý tưởng của KQND Việt Nam muốn sử dụng máy bay ném bom Il-28 tấn công cảm tử tàu sân bay Mỹ, các chuyên gia Liên Xô quyết liệt phản đối thậm chí điện về Moscow gây sức ép lên Hà Nội. 

Tấn công cảm tử tàu sân bay Mỹ

Thông tin về vụ việc này lần đầu tiên được hãng tin Sputnik (Nga) tiết lộ. Theo các tài liệu giải mã, vào mùa hè năm 1967, một trong những tướng lĩnh của Không quân Nhân dân Việt Nam thông báo với người đứng đầu  nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô, rằng có những phi công Việt Nam đã được đào tạo tại học viện quân sự của Liên Xô ở Krasnodar quyết định trở thành cảm tử quân. Họ dự định đưa khối chất nổ lên máy bay ném bom "Il-28", bay thẳng vào tàu sân bay Mỹ, nơi máy bay Mỹ cất cánh đi ném bom Việt Nam, làm nổ tung tàu sân bay Mỹ ngay tại chỗ.

Nghe xong, các chuyên gia Liên Xô đã thất kinh bạt vía, cuống cuồng thuyết phục vị tướng (không rõ danh tính) rằng, tàu sân bay Mỹ sẽ không cho phép máy bay Il-28 áp sát, máy bay sẽ bị bắn tan ngay trước khi bay qua miền duyên hải. Thế nhưng, vị tướng vẫn giữ nguyên ý kiến.

Chuyên gia Liên Xô đã phải nhanh chóng liên hệ với Bộ Tổng tham mưu ở Moscow, và nhận được thông tin kỹ thuật chi tiết về khả năng chiến đấu của  tàu sân bay Mỹ. Thông tin này khẳng định rõ ràng rằng ý tưởng tự sát của các phi công là hoàn toàn vô vọng. 

Tuy nhiên, ngay sau đó Việt Nam đề xuất một ý tưởng mới: đánh đắm chìm tàu khu trục hộ tống tàu sân bay. Vũ khí trên boong tàu có thể dễ dàng bắn tới các mục tiêu trên vùng ven biển. Ý tưởng thực hiện như sau: lợi dụng đêm tối, hệ thống tên lửa phòng không di chuyển tuyệt mật đến bờ biển sát  tàu khu trục và triệt hạ nó bằng những quả tên lửa dùng để diệt máy bay Mỹ.

Một lần nữa, đây là ý tưởng không thể thực thi, nhưng việc thuyết phục lãnh đạo Việt Nam lần này không thành.

Kết quả thật là đáng tiếc. Ban đêm  máy bay trinh sát của Mỹ đã phát hiện cỗ tên lửa đang di chuyển về phía tàu khu trục Mỹ cách khá xa bờ biển. Đúng lúc rạng sáng loạt bom Mỹ đã phá hủy hoàn toàn hệ thống tên lửa chống máy bay.

Đôi nét về máy bay ném bom Il-28

Il-28 là thiết kế của Cục thiết kế Ilyushin (Liên Xô) sau chiến tranh Thế giới thứ hai. Khoảng 6.635 chiếc Il-28 đã được sản xuất và phục vụ trong suốt 50 năm ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chiếc máy bay này có hình dáng bên ngoài theo quy ước, với cánh cao, không chéo phía sau mang động cơ lớn phía dưới. Phi công ném bom ngồi phía mũi kính, phía đuôi có hai khẩu pháo 23mm. 

Những đặc điểm đó giống với kiểu bố trí của máy bay ném bom tầm trung thời Chiến tranh thế giới thứ hai trước đó, nhưng các bề mặt đuôi chéo phía sau và buồng lái kính nổi của phi công và ghế phóng là các đặc điểm tương tự các loại máy bay khác ở thời kỳ của nó, khiến nó vừa mang các đặc điểm mới vừa có những đặc điểm cũ.

Il-28 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1A (dùng trên máy bay tiêm kích MiG-17) cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 902km/h, bán kính tác chiến gần 1.000km, trần bay tối đa hơn 12.000m.
Phi công và máy bay ném bom Il-28 của KQND Việt Nam.

Theo các tài liệu nước ngoài, Il-28 mang tối đa 3 tấn bom trong buồng bom. Nhưng thực tế, “việc mang bao nhiêu bom phải phụ thuộc vào buồng bom và giá bom, ví dụ như loại bom phá mảnh OFAP 250-270 thì Il-28 mang tối đa 8 quả (hơn 2 tấn) hoặc nó có thể mang 1 quả bom nguyên tử 3 tấn”, ông Thân Xuân Hạnh – phi công từng lái Il-28 kể với Kiến Thức.

Ngoài ra, ở đuôi máy bay còn có một ụ pháo 23mm 2 nòng do sĩ quan (kiêm vô tuyến điện) điều khiển.

Tuy ở Liên Xô, máy bay ném bom Il-28 thuộc kiểu chiến thuật, tuy nhiên ở tầm Việt Nam thì nó thuộc hàng chiến lược. “Tuy Il-28 là máy bay ném bom chiến thuật nhưng đối với Việt Nam lúc đó thì Il-28 có thể xem là mang tầm chiến lược. Nghĩa là chỉ sử dụng vào thời điểm quan trọng nhất, cam go nhất phải mang được chiến thắng và có ý nghĩa. Đã ra quân là phải đánh thắng”, phi công Thân Xuân Hạnh cho biết thêm.

Giữa năm 1965, Liên Xô đã chuyển giao cho Việt Nam 8 máy bay ném bom Il-28 (gồm cả 3 loại: trinh sát ảnh, ném bom và huấn luyện). Toàn bộ lực lượng phi công, cán bộ kỹ thuật Il-28 được biên chế thành đơn vị T16, nằm trong Trung đoàn Tiêm kích 921 Sao Đỏ.

Vì nhiều lý do, mà mãi tới ngày 9/10/1972, máy bay ném bom Il-28 của Không quân Nhân dân Việt Nam mới xuất kích đánh chặn đầu (và cũng là trận cuối) vào căn cứ phỉ Vàng Pao và cố vấn Mỹ ở Buôn Loọng trên đất Lào.


Trận đánh Buôn Loọng là trận đầu tiên và cũng là cuối cùng của máy bay ném bom Il-28. Đây cũng có thể xem là trận đánh có “1-0-2” của lực lượng không quân ném bom duy nhất trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam.

Hồng Hà

Post a Comment

أحدث أقدم