(Thông tấn Quân sự) - Việt Nam có thể đặt mua Su-57E và Su-57UBK từ Nga số lượng tới 12 chiếc theo tỷ lệ 2/1 (8 Su-57E và 4 Su-57UBK) hoặc 3/1 (9 Su-57E và 3 Su-57UBK).


Tại MAKS-2019, máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 thuộc Dự án tổ hợp vũ khí hàng không mặt trận tương lai PAK FA không chỉ hiện diện như một mô hình trên giá tại gian triển lãm trung tâm của Liên hiệp chế tạo máy bay hợp nhất OAK và tham gia bay biểu diễn tính năng, mà phiên bản xuất khẩu của nó là Su-57E còn được trưng bày ngoài sân cho khách tham quan trực tiếp chiêm ngưỡng và tiếp cận.

Là một mẫu tiêm kích thế hệ mới đóng vai trò nhân tố gia tăng đáng kể sức mạnh không quân, mẫu tiêm kích này tỏ ra phù hợp với nhu cầu hiện đại hoá không quân theo hướng "quý hồ tinh bất quý hồ đa".
Nguyên mẫu Su-57 hạ cánh xuống sân bay Zhukovsky. 
Trong khi các loại máy bay tiêm kích, cường kích hiện nay rất khó hoàn thành nhiệm vụ khi xâm nhập vào không phận được bảo vệ chặt chẽ bằng các hệ thống tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích phòng không hiện đại, thì máy bay tiêm kích tàng hình đa nhiệm có thể đảm nhiệm tốt vai trò trinh sát chiến lược và chiến thuật, tuần tra chiến đấu, tấn công phủ đầu hoặc phản kích trả đũa tiêu diệt mọi mục tiêu trên không, trên biển và mặt đất của kẻ địch mạnh và đông đảo hơn.

Vậy nếu VN quan tâm, chúng ta sẽ đặt mua bao nhiêu chiếc, phiên bản nào và cần đàm phán những gì?

Một đơn hàng từ 6 tới 12 chiếc Su-57E loại 1 chỗ ngồi và Su-57UBK loại 2 chỗ ngồi là vừa tầm với nhu cầu trước mắt của VN và mong muốn khuếch trương sản phẩm của nước chủ nhà Nga.

Nhân tố khiến Nga có thể tạo ra các gói khuyến mại và hậu mãi rất tốt cho khách hàng đầu tiên đặt mua Su-57E liên quan tới tiến độ triển khai dự án hợp tác chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 FGFA hợp tác với Ấn Độ.

Về cơ bản, dự án FGFA nhắm tới mục tiêu nghiên cứu, chế tạo máy bay tiêm kích Su-57 phiên bản 2 chỗ ngồi với thiết bị điện tử và vũ khí hàng không theo yêu cầu riêng của Ấn Độ. Phía Nga chịu trách nhiệm phát triển thiết kế khí động, máy bay động cơ, radar hàng không và một số khí tài điện tử hàng không trọng yếu khác từ nguyên mẫu Su-57 loại 1 chỗ ngồi (T-50). Phía Ấn Độ chịu trách nhiệm phát triển phần mềm máy tính bay và điều khiển vũ khí tích hợp hệ 2, hệ thống dẫn đường hàng không, hệ thống hiển thị buồng lái và hệ thống tác chiến điện tử.

Từ dự án FGFA và vốn góp của Ấn Độ, phía Nga được hưởng thành quả với 43 hạng mục hoàn thiện thiết kế máy bay, động cơ, radar hàng không, hệ thống điều khiển vũ khí, tiếp cận các công nghệ vũ khí hàng không tiên tiến của Phương Tây mà Ấn Độ đã nhận chuyển giao từ các dự án hợp tác chế tạo vũ khí khác.

Giống như với dự án Su-30MKI, phía Nga sẽ nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm máy bay tiêm kích Su-57 ở cả phiên bản 1 chỗ ngồi và 2 chỗ ngồi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu dựa trên thành tựu từ dự án FGFA.

Hiện nay, Nga đã có trong tay tất cả các tiền đề để chế tạo máy bay Su-57 nguyên chiếc và dạng linh kiện bán thành phẩm CKD để chuyển giao cho đối tác Ấn Độ lắp ráp trong nước. Tuy nhiên để Ấn Độ đồng ý giải ngân giai đoạn tiếp theo của FGFA, Nga phải đưa vào trang bị Su-57 và tiếp thị thành công loại máy bay này ra thị trường quốc tế.

Nga đang gặp khó khăn với chính sách cạnh tranh không lành mạnh do Mỹ áp dụng nhằm cấm vận các nước có buôn bán vũ khí với Nga. Điều này khiến không chỉ Ấn Độ với dự án FGFA trên 10 tỷ USD, mà còn có một số nước quan tâm tới máy bay tiêm kích Su-57 như Trung Quốc và Hàn Quốc (dự án trang bị 60 máy bay tiêm kích thế hệ 5 tính năng tương đương F-22 trị giá 7,9 tỷ USD), phải cân nhắc khi muốn chọn mua hoặc hợp tác phát triển Su-57.

Với sự độc lập tương đối về ngoại giao và quốc phòng, Việt Nam có thể đặt mua Su-57E và Su-57UBK từ Nga số lượng tới 12 chiếc theo tỷ lệ 2/1 (8 Su-57E và 4 Su-57UBK) hoặc 3/1 (9 Su-57E và 3 Su-57UBK).

Các gói hỗ trợ khuyến mại và hậu mãi từ tài chính tới kỹ thuật có thể đàm phán bao gồm Nga cấp tín dụng thanh toán bằng hàng đổi hàng cho VN, đồng ý hỗ trợ huấn luyện chuyển loại, nâng cấp hiện đại hoá hoặc thậm chí mua lại toàn bộ lô Su-57 sau một thời gian sử dụng như Nga đã áp dụng với lô 18 chiếc Su-30K đã bán cho Ấn Độ trong khuôn khổ dự án Su-30MKI trước đây. Ngoài ra, VN có thể ký các hợp đồng phụ đưa máy bay đi triển lãm, bay trình diễn hoặc thử nghiệm vũ khí mới với phía Nga.

Post a Comment

Previous Post Next Post