(Thông tấn Quân sự) - Ngay từ những năm 1980, Hải quân Nhân dân Việt Nam tham vọng xây dựng lực lượng tàu ngầm mạnh mẽ bằng kế hoạch mua tàu Liên Xô.
Như chúng ta đã biết, năm 2009, Việt Nam ký hợp đồng kỷ lục với tập đoàn Rosoboronexport (Liên bang Nga) mua 6 tàu ngầm Kilo 636M với tổng trị giá lên tới 4,3 tỷ USD (gồm cả huấn luyện thủy thủ, xây dựng căn cứ...).
Tới ngày 29/5/2013, Hải quân Nhân dân Việt Nam chính thức thành lập đơn vị tàu ngầm đầu tiên trong lịch sử mang tên Lữ đoàn 189. Một năm sau đó, lữ đoàn tiếp nhận tàu ngầm Kilo mang tên HQ-182 Hà Nội.
Thế nhưng, có lẽ không nhiều người biết rằng, tham vọng xây dựng lực lượng tàu ngầm của Việt Nam đã có từ cách đây 30 năm trước. Đặc biệt, ngay từ lúc đó ta đã muốn có những chiếc Kilo hiện đại nhất thế giới.
Cụ thể, đầu những năm 1980, với ý đồ xây dựng hạm đội tàu ngầm, Quân chủng Hải quân thành lập Hải đội tàu ngầm 182.
Cuối tháng 7/1984, Hải đội 182 được cử sang Liên Xô huấn luyện sử dụng tàu ngầm tại trung tâm huấn luyện Riga - Thủ đô Cộng hòa Xô Viết Latvia.
Tại đây, các thủy thủ Hải đội 182 được huấn luyện làm chủ tàu ngầm tấn công diesel-điện đề án 613 (NATO định danh là lớp Whiskey). Đây là loại tàu ngầm cũ được đóng từ những năm 1950, lượng giãn nước hơn 1.000 tấn, trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm.
Theo lời kể những người trong cuộc, bấy giờ hải quân ta cũng rất mong muốn sở hữu những loại tàu ngầm hiện đại hơn nhưng không đủ điều kiện và chi phí cần thiết.
![]() |
Các thủy thủ hải đội 182 huấn luyện tại Liên Xô. |
Kể lại với báo Thanh Niên, Đại tá Trần Văn Thịnh - nguyên Trưởng phòng Bảo đảm hàng hải thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân cho biết, tháng 2/1985, Đô đốc Giáp Văn Cương sang Liên Xô và tới trung tâm Riga thăm, động viên học viên Việt Nam đang học tập.
Khi chào tạm biệt cán bộ chiến sĩ, Tư lệnh Cương chợt nhận thấy tàu ngầm Kilo đề án 877 của Hải quân Ấn Độ vừa tiếp nhận, ông bảo các học viên Việt Nam rằng: "Trước mắt các đồng chí sử dụng loại 613 này cho tốt. Sau đó phải nghĩ tới việc làm chủ loại hiện đại kia".
Còn theo đại tá Nguyễn Đôn Hòa - nguyên Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật hải quân thì cho biết, bản thân thủy thủ ta khi sang Liên Xô thấy tàu ngầm Kilo cũng rất thích, phát thèm.
Khung tàu ngầm VN đến Liên Xô khoảng cuối tháng 7/1984, ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Riga, thủ đô nước CH Latvia nằm bên bờ biển Baltic, cùng học tập với các bạn HQ Đức, Ba Lan, Ấn Độ, Cuba... Ban đầu, học viên học bổ sung tiếng Nga theo ngành nghề chuyên môn, sau đó mới học lý thuyết chuyên môn từ chuyên gia phục vụ lâu năm ở các tàu ngầm HQ Liên Xô. Trong khi các nước khác học hệ tàu đầu cao (Syria học tàu ngầm lớp 641, Ấn Độ học 877 Kilo...) thì VN chỉ học tàu ngầm diezen đề án 613.
![]() |
Tàu ngầm Kilo 877 của Nga. |
“Hồi ấy rất thích Kilo vì nó hiện đại, có radar tầm xa, sonar siêu âm định vị rất chính xác. Trong khi hệ tàu 613 của mình chỉ có ngư lôi và các thiết bị khác đều kém xa, kể cả điều kiện ăn ở” - ông Hòa nói.
Rất tiếc, ở thời điểm đó dù muốn nhưng vì điều kiện khó khăn kinh tế nên ta chưa thể mua được tàu ngầm Kilo hiện đại. Thậm chí, ngay cả đề án 613 dù khung tàu ngầm hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện nhưng không có tàu về để hoạt động.
Đầu tháng 5 năm 1986 Hải đội 182 về nước. Đến tháng 10 năm 1987 Hải đội 182 bị giải tán, các thành viên được điều động sang đơn vị khác hoặc giải ngũ.
Giấc mơ tàu ngầm của Việt Nam tạm dừng!
*** Tàu ngầm Kilo 877 hay tên gọi của Liên Xô là "Đề án 877 Paltus" (NATO định danh là Kilo) là tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện - diesel được phát triển từ những năm 1980 cho nhiệm vụ tuần tra, săn lùng tiêu diệt mục tiêu trên biển.
"Đề án 877" đã làm nên huyền thoại "hố đen đại dương" vì khả năng hoạt động trong yên lặng của nó, đối phương vô cùng khó để có thể phát hiện chúng.
So với "Đề án 636" (NATO gọi là Improved Kilo), 877 có kích thước nhỏ hơn chút, cũng như hệ thống sonar kém hơn ở vài khía cạnh.
Kilo 877 có lượng giãn nước khi lặn là 3.000 tấn, khi nổi là 2.300 tấn, dài 70m, rộng 9,9m, lặn sâu tối đa 300m, dự trữ hành trình lặn là 740km.
Tàu ngầm 877 lúc bấy giờ trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm với 18 quả ngư lôi có dẫn đường. Hiện nay, đã có thể nâng cấp Kilo 877 tích hợp hệ thống tên lửa hành trình Kalibr-PL.
Hồng Hà
إرسال تعليق