(Thông tấn quân sự) - Một số quan chức Mỹ cũng từng ám chỉ, khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành mối quan tâm mới trong thời gian sắp tới bởi lẽ Tổng thống Biden tập trung vào châu Á như là một yếu tố cốt tử trong chương trình nghị sự chính sách ngoại giao của ông.

Ngày 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày (28 và 29/7). Việt Nam cũng là điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á (gồm Singapore, Việt Nam và Philippines) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin. Ông còn là quan chức cấp cao đầu tiên trong nội các chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Có thể nói rằng, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới thăm ba nước Đông Nam Á dịp này như là một động thái nhằm đổi mới quan hệ với các nước nằm ở khu vực vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông Vũ Chiến Thắng đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Hà Nội ngày 28/7.

Để chứng minh cho quan điểm trên, phát biểu trong bài diễn thuyết ở Singapore do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tổ chức, ông Austin cho hay: “Tới Đông Nam Á để làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác có chung mối bận tâm về an ninh”.

Còn chuyên gia cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) Murray Hiebert có quan điểm: “Một phần nỗ lực ở đây đó là để các nước (Đông Nam Á) biết rằng Mỹ vẫn nhìn nhận họ là một phần rất quan trọng… và rằng nước Mỹ sẽ không chịu khuất phục hay để Trung Quốc “bành trướng” trong khu vực này. Vì vậy, đó thực sự là một nỗ lực để bắt kịp thế trận sau một khởi đầu chậm chạp”.

Còn ông William Choong, nhà nghiên cứu chuyên về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á, nêu: “Người Mỹ coi Đông Nam Á là một khu vực ngoại vi quan trọng đối với Trung Quốc, vì vậy họ đã chơi một cuộc chơi lâu dài. Và họ cũng vừa nâng cấp mối quan hệ với ASEAN lên một tầm cao mới”.

Mặt khác, một số quan chức Mỹ cũng từng ám chỉ, khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành mối quan tâm mới trong thời gian sắp tới bởi lẽ Tổng thống Biden tập trung vào châu Á như là một yếu tố cốt tử trong chương trình nghị sự chính sách ngoại giao của ông.

Vì thế, nhiều nhà phân tích chính trị nhìn nhận việc Ngoại trưởng Mỹ J.Blinken quyết định công du tới Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc mà bỏ qua Đông Nam Á như là một hành động “hắt hủi”. 

"Nó dường như củng cố cho nhận thức rằng, Đông Nam Á luôn luôn bị đối xử theo kiểu đãi bôi mà thôi. rằng đó là một khu vực quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng trên thực tế, khu vực này vẫn luôn bị đối xử như một kẻ đến sau", ông Clooin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore, bày tỏ ý kiến cá nhân.

Trong khi đó, website ORFonline đăng tải bài bình luận sâu hơn về chuyến thăm ba nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin. Theo đó, chuyến thăm này khả năng thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc chứng minh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á như là một phần không thể thiếu trong chính sách ngoại giao ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thực vậy, một thông cáo do Thư ký báo chí của Lầu Năm góc ông John F Kirby chỉ ra: “Chuyến công du này sẽ nhấn mạnh cam kết lâu dài của Hoa Kỳ đối với khu vực và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN”.

Đồng thời, chuyến công du đầu tiên của một trong các thành viên nội các chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden còn có ý nghĩ quan trọng khác. Từ lâu các nhà lãnh đạo ở Đông Nam Á quan điểm rằng, tuy là một điểm nóng về cạnh tranh quyền lực và là nơi Trung Quốc bành trướng yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khu vực này lại luôn bị chính quyền tiền nhiệm và cả chính quyền đương nhiệm Mỹ “ngó lơ”.

Chưa kể, hiện còn tồn tại một nghi ngờ vốn tồn tại từ lâu về việc liệu Mỹ có thực sự nghiêm túc và xác định rõ ràng vai trò trung tâm của ASEAN trong chính sách ngoại giao ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không.  

Suốt nhiều năm qua, Mỹ luôn coi trọng các cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề an ninh và quốc phòng, nhưng tại thời điểm này, chuyến công du 3 quốc gia Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Austin còn được coi là một hành động thể hiện nỗ lực của Washington trong việc hoạch định chính sách kinh tế-thương mại rõ ràng đối với khu vực.

Đồng quan điểm trên, ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định: “Vì một chiến lược châu Á hiệu quả, vì một cách tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiệu quả, bạn phải làm nhiều hơn ở Đông Nam Á”.

Thanh Nga

Post a Comment

أحدث أقدم