(Thông tấn quân sự) - Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, có 3 binh sỹ thiệt mạng và 2 lính khác bị thương sau các cuộc xung đột vũ trang với nước láng giềng Azerbaijan ở vùng đất tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Cụ thể, trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/7, Bộ Quốc phòng Armenia cho hay, 3 binh sỹ đã thiệt mạng và 2 lính khác bị thương sau các cuộc xung đột với Azerbaijan vào hôm 28/7. Phía Armenia cáo buộc lực lượng vũ trang của Azerbaijan đã gây ra vụ việc. Cùng với đó, họ cũng cáo buộc Azerbaijan đã vi phạm lệnh ngừng bắn ở khu đông bắc thuộc biên giới giữa hai quốc gia vào sáng 28/7.

Hình ảnh xung đột vũ trang giữa hai nước Armenia-Azerbaijan.

Tuy nhiên, phía quân đội Azebaijan đã phản bác lại thông tin trên và cũng cáo buộc phía Armenia chính là "thủ phạm" của loạt xung đột nhẹ đó, gây nên hệ lụy là làm 2 binh sỹ Azebaijan bị thương.

"Vào ngày 28/7, bắt đầu từ 0h50 (giờ địa phương),  từ những vị trí chiến đấu nằm ở nhiều hướng khác nhau thuộc vùng Basarkechar, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Armenia sử dụng vũ khí hạng nhẹ và súng phóng lựu rồi khai hỏa về phía các vị trí của Quân đội Azerbaijan ở lãnh thổ thuộc vùng Kalbajar", trích thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan đăng trên Twitter.

Vùng đất tranh chấp Nagorno-Karabakh có diện tích hơn 4.000 km2, nằm ở phía Tây Azebaijan với hơn 90% dân số là người gốc Armenia. Từ một vùng tự quản, đến năm 1923, lãnh đạo Liên bang Xô Viết chính thức thành lập Khu tự trị Nogorno-Karabakh trên lãnh thổ Azerbaijan rồi giao cho chính quyền Azerbaijan quản lý.

Tuy nhiên, sự kiện Liên bang Xô Viết tan rã hồi năm 1991 đã khiến tình hình ở vùng đất này thay đổi. Khoảng 1 tháng trước khi Liên Xô sụp đổ, Azerbaijan đã bãi bỏ quy chế tự trị đối với vùng đất Nagorno-Karabakh và đặt vùng này dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương.

Trái ngược lại. vào hồi tháng 12/1991, người Armenia sinh sống ỏ Nagorno-Karabk tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và đi đến lựa chọn: thành lập nhà nước Cộng hòa Nogorno-Karakh độc lập và thể hiện mong muốn sáp nhập với Armenia. 

Xung đột âm ỉ giữa người dân gốc Armenia sống ở vùng đất này với lực lượng chính quyền Azerbaijan vốn tồn tại suốt nhiều năm nay lại bùng phát trở lại. Phải cho tới tháng 5/1994, chiến sự ở vùng này mới lắng dịu xuống nhờ thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, từ đó một khu phi quân sự được thiết lập ở vùng lãnh thổ tranh chấp.

Thanh Nga

Post a Comment

أحدث أقدم